Kết quả bước đầu đã tận dụng nguồn rơm rạ tại chỗ phục vụ cho sản xuất lúa, góp phần ổn định sự bền vững cho đất lúa thâm canh và nâng cao năng suất lúa ở ĐBSCL. Từ đó, giảm chi phí phân bón hóa học và góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế trồng lúa, đáp ứng chiến lược sản xuất nông nghiệp bền vững và bảo vệ tốt môi trường.
Theo Viện Lúa ĐBSCL, những năm gần đây, việc nghiên cứu sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ rất được quan tâm; trong đó, việc nghiên cứu, tuyển chọn và sản xuất thành công chế phẩm Trichoderma là một trong những thành tựu nổi bật của Viện Lúa ĐBSCL. Chế phẩm Trichodema dùng để xử lý rơm rạ có nguồn gốc bản địa do Viện Lúa ĐBSCL phân lập và sản xuất dùng để xử lý rơm rạ cho sự phân hủy nhanh. Các chủng nấm Trichodema được thu thập và phân lập từ các hệ thống canh tác lúa ở ĐBSCL. Chế phẩm Trichoderma có hiệu quả xử lý rơm rạ nhanh trên đồng ruộng, phù hợp với điều kiện canh tác ở ĐBSCL, làm gia tăng hàm lượng NPK.
Phương pháp xử lý rơm rạ bằng chế phẩm Trichoderma được thực hiện theo quy trình như sau: Rơm rạ sau khi thu hoạch vụ lúa trước được trải đều trên đồng ruộng. Hòa tan trực tiếp chế phẩm Trichoderma vào nước sạch ở liều lượng 4 kg chế phẩm/ha và phun ướt đều vào rơm rạ. Sau đó, tiến hành cày vùi vào đất, cho nước vào và làm cho bằng phẳng, rồi lại tháo cạn nước và tiến hành gieo lúa. Xử lý rơm rạ bằng chế phẩm này góp phần giảm khoảng 30% NPK phân hóa học và gia tăng năng suất lúa cũng như tăng hiệu quả kinh tế trồng lúa và cải thiện độ phì nhiêu đất.
Qua thí điểm tại An Giang (6 ha/2 vụ): Vụ đông xuân 2010-2011 với mô hình cày vùi rơm rạ có xử lý chế phẩm Trichoderma đã làm giảm lượng phân bón N, P2O5 và K2O. Từ đó, giảm được chi phí phân bón hơn 1,8 triệu đồng/ha và tăng năng suất lúa là 0,33 tấn/ha (3,9%), tăng lợi nhuận gần 4,3 triệu đồng/ha và tỷ suất lợi nhuận tăng 29,3% so với mô hình canh tác thông thường của nông dân. Ở vụ hè thu 2011, giảm chi phí phân bón hơn 1,6 triệu đồng/ha và tăng lợi nhuận được gần 2,6 triệu đồng/ha so với mô hình canh tác của nông dân. Còn tại Cần Thơ (4 ha/2vụ), qua thí điểm ở vụ đông xuân 2010-2011 với mô hình bón rơm rạ xử lý chế phẩm đã giảm chi phí phân bón được gần 1,7 triệu đồng/ha và tăng năng suất lúa gần 0,4 tấn/ha (tăng 4,45%), tăng lợi nhuận gần 4,2 triệu đồng/ha và tỷ suất lợi nhuận tăng 33,9% so với mô hình canh tác của nông dân. Ở vụ hè thu 2011, đã giảm được chi phí phân bón hóa học khoảng 2.4 triệu đồng/ha và tăng lợi nhuận được gần 4 triệu đồng/ha (19,1%) so với mô hình canh tác của nông dân.
Theo phân tích, rơm rạ chứa khoảng 0,6% N, 0,1% P cũng như S, 1,5% K, 5% Si và 40% C... Rơm rạ được xem là nguồn dinh dưỡng quan trọng làm gia tăng năng suất lúa (0,4 tấn/ha/vụ khi rơm rạ được vùi vào trong đất) và làm gia tăng độ màu mỡ của đất theo thời gian. Các mô hình cho năng suất lúa và lợi nhuận kinh tế cao hơn so với mô hình canh tác của nông dân, bình quân năng suất tăng từ 3,9-4,45% vào vụ đông xuân và từ 1,4 -3,9% vào vụ hè thu và lợi nhuận tăng tương ứng 13,5-15,2% và 10,3-19,1%. Tỷ suất lợi nhuận trong mô hình khuyến cáo cao hơn canh tác của nông dân từ 22- 42%.
Xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học giúp nâng cao năng suất lúa và bảo vệ môi trường
Theo Viện Lúa ĐBSCL, hiện ở nước ta cây lúa là cây lương thực chính với sản lượng trung bình hàng năm khoảng 38 - 40 triệu tấn trên diện tích gieo trồng khoảng 7,44 triệu ha. Trong đó, hai vùng trồng lúa trọng điểm của cả nước là ĐBSCL với diện tích là 3,87 triệu ha và đồng bằng sông Hồng với diện tích 1,1 triệu ha. Nông dân có tập quán canh tác lúa từ hai đến ba vụ trong năm. Nếu trung bình một tấn lúa cho ra 1-1,2 tấn rơm rạ thì với sản lượng lúa hiện nay, ước tính lượng rơm rạ thải ra có thể lên đến 40 - 46 triệu tấn/năm. Việc xử lý rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch lúa trên thực tế lại chưa có cách làm hiệu quả. Vì vậy, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết cụ thể mà người nông dân sẽ chọn lựa biện pháp xử lý rơm rạ thích hợp. Nếu như thu hoạch lúa vào mùa khô, người nông dân sẽ đốt đồng để tranh thủ mùa vụ và giảm lượng rơm rạ này nhanh chóng. Còn thu hoạch lúa vào mùa mưa người nông dân thường suốt phun rơm ngay cạnh bờ kênh, rạch. Như vậy sẽ gây tắc nghẽn giao thông đường thủy và gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.
Hiện nay, Viện Lúa ĐBSCL đang tiếp tục mở rộng quy mô ứng dụng xử lý rơm rạ bằng chế phẩm Trichoderma với nhiều loại đất canh tác khác nhau tại khu vực ĐBSCL, trước khi ứng dụng vào thực tế nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất lúa tại chỗ, góp phần giảm chi phí phân bón, giảm ô nhiễm môi trường.
Thanh Sang (theo Bộ TN và MT)
Xem thêm:
Chúng tôi trên mạng xã hội