Ông Trần Thanh Thủy, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa (Bộ Công thương) cho rằng các đơn vị trong nước có đủ khả năng để nghiên cứu, sản xuất các loại robot phục vụ nhu cầu sản xuất công nghiệp trong nước với giá thành rẻ hơn rất nhiều và chức năng tương đương so với các sản phẩm robot nhập khẩu.
Trên thế giới khoa học robot rất phát triển, ông đánh giá thế nào về tình hình nghiên cứu sản xuất robot ở Việt Nam?
Ông Trần Thanh Thủy: Trong khoảng 25 năm qua, nước ta đã có những hoạt động nghiên cứu bước đầu và đã có những bước tiến đáng kể về robot. Trong đó có những đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp nhà nước thuộc các lĩnh vực tự động hóa, cơ khí chế tạo do các tổ chức KH&CN trên toàn quốc thực hiện như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Viện NC Điện tử, Tin học, Tự động hoá (Bộ Công Thương), Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự, Viện Cơ học và Viện Công nghệ Thông tin (Viện KH&CN Việt Nam) ...
Các nghiên cứu về robot ở nước ta liên quan nhiều đến vấn đề về động học, động lực học, thiết kế quỹ đạo, xử lý thông tin cảm biến, cơ cấu chấp hành, điều khiển và phát triển trí thông minh. Đặc biệt, trong lĩnh vực điều khiển robot, ngoài các phương pháp điều khiển truyền thống như PID, phương pháp tính mô men, phương pháp điều khiển trượt thì các phương pháp điều khiển thông minh như điều khiển sử dụng mạng nơ ron, logic mờ, thuật gen và các phương pháp điều khiển tự thích nghi cũng đã được đề cập nghiên cứu và áp dụng tại các tổ chức KH&CN. Cùng với các kết quả về thực nghiệm, nhiều công trình nghiên cứu khoa học về robot đã được công bố trên các tạp chí khoa học kỹ thuật trong và ngoài nước hoặc báo cáo tại các Hội nghị khoa học quốc tế về robot.
Tuy nhiên, có thể nói, cho đến nay ở Việt Nam ngành công nghiệp robot vẫn chưa hình thành một cách rõ nét. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh robot Việt Nam vẫn phát triển mang tính tự phát. Thậm chí, kể cả các chính sách của nhà nước cũng chưa đề cập đến việc phát triển ngành công nghiệp robot hiện tại và tương lai.
Dòng sản phẩm robot AKBOT-T1 của Công ty Robot Việt Nam
Các thế hệ robot mà thế giới đang nghiên cứu chế tạo là các loại robot thông minh có thể thăm dò sao hỏa, mặt trăng, đại dương hay có các khả năng giống như con người. Vậy các loại robot Việt Nam hiện nay nghiên cứu theo hướng nào?
Quá trình phát triển công nghệ robot đi từ những thế hệ đơn giản đến những thế hệ cao cấp hơn. Ở thập kỷ những năm 60 - 70, thế giới tập trung sản xuất các loại robot công nghiệp, làm những công việc cố định trong các nhà máy xí nghiệp. Đến thập kỷ những năm 80 - 90, các nước đã bắt đầu phát triển các loại robot dịch vụ bao gồm robot dịch vụ chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh, hay robot chăm sóc sức khỏe; robot dịch vụ gia đình,…Hiện nay, các nhà khoa học trên thế giới đang nghiên cứu ra các loại robot dạng người, tức là robot có thể cảm nhận, suy nghĩ, có thể nói, hành động giống con người. Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc có thể được xem là các nước đi đầu trong phát triển robot.
Ở Việt Nam, về mặt lý thuyết, chúng ta cũng hoàn toàn có thể phát triển được các loại robot thông minh, nhưng do cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, ngành công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp robot chưa phát triển, các thiết bị kiểm tra, kiểm định chất lượng robot chưa có hoặc có chưa đầy đủ và quy mô thị trường còn hạn hẹp, nên không đủ điều điện để phát triển các loại robot dạng này. Vì vậy, xu hướng hiện nay vẫn dừng lại ở việc phát triển các loại robot công nghiệp.
Chúng ta có thể làm được những loại robot thông minh. Căn cứ vào đâu để chứng minh Việt Nam có thể thực hiện điều đó?
Việt Nam có thuận lợi đầu tiên đó là trí tuệ, người Việt Nam thông minh không thua kém so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Một ví dụ rất điển hình đó là, tại các cuộc thi robocon Châu Á, đội tuyển Việt Nam luôn giành được các giải thưởng cao, thậm chí còn hơn cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore…Các cuộc thi robot thu hút rất đông học sinh, sinh viên tham gia điều đó có nghĩa là đội ngũ những người đam mê, yêu thích ngành công nghệ này là rất lớn. Từ chỗ chỉ có một vài đội tham gia năm 2002, đến nay đã có hàng trăm đội của hàng trăm trường đại học, cao đẳng của cả nước tham gia với niềm đam mê và quyết tâm cao.
Người Việt Nam có thể thiết kế phần mềm điều khiển robot, chế tạo các bo mạch điện tử… nghĩa là phần “hồn” cho các robot, nhưng phần “xác” cho robot thì gặp quá nhiều khó khăn mà nguyên nhân chính, như tôi đã nêu là do ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam chưa phát triển, chưa đáp ứng nhu cầu.
Ông có thể nói rõ hơn những khó khăn, trở ngại khiến ngành công nghiệp robot Việt Nam chưa phát triển? Để phát triển ngành công nghiệp robot chúng ta phải làm gì?
Để phát triển một ngành công nghiệp trước hết phải có thị trường, có sự đầu tư của Nhà nước về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, về chính sách cũng như khung pháp lý và ít nhiều phải hình thành được một vài doanh nghiệp sản xuất kinh doanh robot chủ lực có quy mô sản xuất lớn. Nhưng như tôi đã nói, tất cả những yếu tố đó đến nay ở Việt Nam còn rất mờ nhạt.
Vấn đề phát triển công nghiệp robot ở Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức và sự chuyển biến nhận thức chưa được rõ nét. Nhiều kiến nghị của các hội thảo quốc gia về lĩnh vực này, đều không được hồi âm cần thiết, trong đó, có những đề xuất cụ thể về các nội dung triển khai “chiến lược phát triển robot” ở Việt Nam.
Giới khoa học vẫn thiếu sự liên kết, mạnh ai nấy làm, dẫn tới trùng lắp và trong thực tế tư duy của giới khoa học và của giới doanh nghiệp chưa gặp nhau, giới khoa học chưa tạo được lòng tin đối với doanh nghiệp.
Việt Nam chưa có nhà máy với đầy đủ trang thiết bị sản xuất, kiểm định chất lượng sản phẩm robot công nghiệp. Để sản xuất một robot công nghiệp cần thiết phải có nhóm trang thiết bị điện, điện tử và cơ khí phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu, thí nghiệm và sửa chữa; nhóm trang thiết bị phục vụ hoạt động kiểm định; nhóm trang thiết bị phục vụ lắp ráp và điều chỉnh. Đó là chưa kể, robot công nghiệp sau khi sản xuất xong phải trải qua quy trình kiểm định về độ chính xác vị trí, độ chính xác lặp lại theo một phương duy nhất, độ chính xác thực hiện dịch chuyển và lặp lại dịch chuyển, độ sai lệch góc, thời gian ổn định đến vị trí định vị… Nhưng những yếu tố cần thiết để kiểm định các thông số này đối với các robot được chế tạo tại Việt Nam đều chưa có.
Thị trường cho các sản phẩm robot được chế tạo trong nước chưa được tạo lập và các biện pháp kỹ thuật kiểm soát, ngăn ngừa nhập khẩu những sản phẩm robot mà trong nước sản xuất được cũng chưa được ban hành.
Công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực đã được quan tâm chú ý, nhưng vì thiếu vắng môi trường hoạt động nên đội ngũ chuyên gia đầu ngành, tổng công trình sư và kỹ sư nghiên cứu thiết kế là nhân tố cơ bản để thực hiện thành công nhiệm vụ R&D cũng như chiến lược sản xuất kinh doanh của mọi doanh nghiệp bị mai một về kiến thức, ý tưởng sáng tạo.
Để phát triển ngành công nghiệp robot ở Việt Nam, theo tôi, quan trọng hơn cả vẫn là thị trường. Phải có thị trường thì mới có thể thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Cho đến nay, các đề tài NCKH&PTCN về robot sau khi nghiệm thu hầu như không thể tiếp tục triển khai được thành các dự án sản xuất thử nghiệm bởi không có thị trường, không có người mua. Mà đã không có đơn đặt hàng thì không ai có thể “dũng cảm” đặt vấn đề sản xuất thử nghiệm cả, vì vốn cho các dự án sản xuất thử nghiệm đều là vốn vay phải nộp thu hồi.
Các đơn vị trong nước có đủ khả năng để sản xuất các loại robot công nghiệp phục vụ cho nhu cầu trong nước với giá thành rẻ hơn rất nhiều và chức năng tương đương so với các sản phẩm robot nhập của nước ngoài, nhưng các chủ đầu tư lại ngại tiếp nhận các sản phẩm robot Việt Nam bởi thực tế các doanh nghiệp thường nhập đồng bộ các dây chuyền trong đó đã bao gồm cả các robot. Các dây chuyền sản xuất công nghiệp ở Việt Nam có mức độ tự động hóa chưa cao, nên việc đầu tư robot của các chủ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chưa mặn mà đầu tư robot và do đó quy mô thị trường robot ở Việt Nam chưa lớn, nên các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh robot Việt Nam chỉ có thể có một số hợp đồng sản xuất robot đơn lẻ cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, chủ yếu là các robot phục vụ cho các công đoạn riêng lẻ như công đoạn hàn, sơn hay trong môi trường độc hại.
Theo tôi, muốn thúc đẩy ngành công nghiệp robot phát triển, trước tiên cần có sự vào cuộc của nhà nước, cụ thể là ban hành các chính sách vĩ mô như chính sách để hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực sản xuất robot; chính sách đầu tư cho nghiên cứu phát triển, chính sách đào tạo và sử dụng hợp lý nguồn nhân lực trong lĩnh vực robot, chính sách phát triển thị trường, v.v…. Hình thành những ngành học, ngành đào tạo và nghiên cứu chuyên về robot và đặc biệt là phải hình thành nên một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh robot đầu đàn, tạo nền tảng để phát triển ngành công nghiệp robot.
Robot Công nghiệp Tosy
Ông có thể đánh giá vai trò của ngành công nghiệp robot đối với sự phát triển kinh tế xã hội nói chung và khoa học công nghệ nói riêng?
Robot đã được khẳng định về khả năng đem lại rất nhiều lợi ích trong phạm vi rộng các ứng dụng khác nhau. Các chuyên gia của Hiệp hội robot quốc tế đã đưa ra 10 lợi ích phổ biến nhất theo ý kiến từ những người đã sử dụng robot trong các lĩnh vực khác nhau trên toàn thế giới, đó là Giảm chi phí vận hành; Nâng cao chất lượng và tính ổn định của sản phẩm; Nâng cao hiệu quả làm việc của công nhân; Nâng cao sản lượng đầu ra; Nâng cao tính linh hoạt trong quá trình sản xuất sản phẩm; Giảm lãng phí nguyên liệu và tăng lợi nhuận; Tuân thủ các quy định về an toàn và nâng cao sức khỏe và an toàn nơi làm việc; Giảm chi phí thay đổi lao động và khó khăn trong tuyển dụng; Giảm các chi phí đầu tư cơ bản; Tiết kiệm không gian cho những khu vực sản xuất đắt đỏ.
Có thể nêu một ví dụ đơn giản: Ở một công đoạn sản xuất nhất định nào đó, do yếu tố tâm lý, sức khỏe, người công nhân có thể lơ đãng trong một vài thao tác khiến cả một lô sản phẩm hỏng hoặc bị kém chất lượng. Nhưng nếu thay người công nhân đó bằng một chú robot, do có thể làm liên tục, đều đặn, không bị mệt mỏi, nên robot hoàn toàn có thể thực hiện một cách chính xác, vừa đảm bảo chất lượng của lô hàng, vừa tăng năng suất. Robot là hình ảnh thu nhỏ của hệ thống các thiết bị hiện đại, công nghệ cao hiện nay, rất linh hoạt và thông minh. Do đó, phát triển ngành công nghiệp robot sẽ kéo theo sự phát triển của một loạt các ngành công nghiệp công nghệ cao khác như công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử, tự động hóa…
Xin cảm ơn ông!
Minh Cường
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chúng tôi trên mạng xã hội