Năng lượng hạt nhân vẫn là ngành năng lượng của tương lai
Thứ bảy - 18/10/2014 18:19
Năng lượng hạt nhân vẫn khẳng định là ngành năng lượng của tương lai và tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các nền kinh tế. Đó là thông điệp được các tập đoàn công nghiệp và tập đoàn khai thác năng lượng đưa ra tại Triển lãm năng lượng hạt nhân thế giới (WNE) tổ chức trong ba ngày, từ 14-16/10, tại Trung tâm triển lãm Bourget, phía bắc thủ đô Paris (Pháp).
Triển lãm được tổ chức theo sáng kiến của Hiệp hội các nhà công nghiệp xuất khẩu hạt nhân của Pháp (AIFEN), đã thu hút sự tham dự của 495 tập đoàn và công ty hàng đầu quốc tế trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân và điện nguyên tử đến từ 24 quốc gia như Pháp, Mỹ, Anh, Nga, Nhật, Trung Quốc, Đức, Phần Lan, Tây Ban Nha…
Đây là lần đầu tiên một triển lãm trong lĩnh vực hạt nhân dân sự được tổ chức dưới hình thức một hội chợ quốc tế, nhằm giúp các tập đoàn, doanh nghiệp, giới chuyên môn và chuyên gia gặp gỡ giới thiệu công nghệ, trao đổi kinh nghiệm về khảo sát, thiết kế, chế tạo và xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đồng thời thiết lập các quan hệ đối tác trên phạm vi toàn cầu. Tại triển lãm, thông qua các băng hình được trình chiếu, việc trưng bày ma-két các lò phản ứng hoặc một số thiết bị, các tập đoàn đã cung cấp thông tin đa dạng và phong phú về các hoạt động nghiên cứu công nghệ và vật liệu trong sản xuất điện hạt nhân, an toàn điện hạt nhân và quản lý chất thải phóng xạ, đào tạo nguồn nhân lực và hoạt động hợp tác quốc tế phục vụ phát triển điện hạt nhân… Trao đổi với phóng viên, ông Xavier Clément, Giám đốc Truyền thông của Ủy ban năng lượng nguyên tử và năng lượng thay thế của Pháp (CEA) khẳng định con số đông đảo các tập đoàn năng lượng tham dự triển lãm, chất lượng các gian trưng bày cũng như các công nghệ được giới thiệu và 7.000 khách tham quan là những người thuộc giới chuyên môn được chờ đón trong 3 ngày tổ chức triển lãm cho thấy năng lượng hạt nhân tiếp tục là ngành năng lượng của tương lai. Ông cũng cho biết ngày 14/10 vừa qua, Quốc hội Pháp đã thông qua Luật quá độ năng lượng, luật này cho thấy quyết tâm của Chính phủ Pháp duy trì việc sản xuất điện hạt nhân nhằm đáp ứng 50% nhu cầu tiêu thụ năng lượng trên toàn nước Pháp. Theo ông, năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo cho phép cung cấp năng lượng với chi phí tiết kiệm đồng thời đảm bảo sự độc lập về năng lượng vì nó cho phép thay thế các năng lượng hóa thạch như dầu mỏ và khí gas.
Ma-két nhà máy điện hạt nhân do tập đoàn Areva, tập đoàn thiết kế, chế tạo lò phản ứng hạt nhân hàng đầu của Pháp.
Xuất phát từ nhu cầu của sự nghiệp phát triển đất nước khi tiến hành công nghiệp hóa và hiện đại hóa, Việt Nam đã và đang tiếp cận với con đường phát triển điện hạt nhân, xem đây là lựa chọn phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Chính vì vậy, một đoàn của Ủy ban an toàn hạt nhân quốc gia bao gồm lãnh đạo và chuyên gia nhiều bộ, ngành như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Cục an toàn bức xạ hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ)… đã được cử sang tham quan triển lãm, nhằm khảo sát việc sử dụng năng lượng hạt nhân vào sản xuất và cung cấp điện tại các quốc gia. Theo ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, do nhu cầu tiêu thụ điện không ngừng tăng cao, chính vì vậy Chính phủ chủ trương nghiên cứu và sản xuất điện hạt nhân để tăng thêm lượng điện cung cấp đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Đoàn Việt Nam đặc biệt quan tâm tới công nghệ tiên tiến được giới thiệu tại triển lãm. "Sau thảm họa Fukushima, chúng tôi muốn biết các nhà sản xuất các lò phản ứng hạt nhân có những cải tiến gì nhằm giúp cho kỹ thuật hạt nhân trở nên an toàn hơn và hiệu quả hơn. Chúng tôi cũng quan tâm đến vấn đề về môi trường, xử lý chất thải phóng xạ và việc tái chế các nguyên liệu đã được sử dụng, hoạt động của nhà máy điện hạt nhân cũng như công trình mà Pháp đang xây dựng ở một số điểm trên đất Pháp. Tất cả các vấn đề đó đều sẽ được khảo sát, thu thập thông tin để báo cáo cho Chính phủ và Quốc hội nhằm giúp các cơ quan này có thông tin đầy đủ trong việc ra quyết định về việc sử dụng công nghệ phù hợp với mức độ tiên tiến của ngành sản xuất điện hạt nhân hiện nay", ông nêu rõ. Liên quan đến hai dự án nhà máy điện ở Ninh Thuận, ông cũng cho biết là Quốc hội yêu cầu là lò phản ứng hạt nhân phải nằm trong thế hệ lò mới nhất, an toàn nhất và tiếp cận được kỹ thuật tiên tiến hiện đang được các nước phát triển sử dụng. Ngoài ra, việc vay vốn xây dựng phải đảm bảo được hiệu quả kinh tế, đúng như mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra.
Chúng tôi trên mạng xã hội