Robot quân sự và kỷ nguyên của chiến tranh hiện đại - UAV và UCAV

Thứ sáu - 10/01/2014 12:05

Robot quân sự và chiến tranh hiện đại - UAV và UCAV

Robot quân sự và chiến tranh hiện đại - UAV và UCAV
Phát triển các loại robot quân sự có khả năng tác chiến một cách độc lập đang là xu hướng chủ đạo trong phát triển các phương tiện chiến tranh tương lai.
Với sự phát triển vũ bão của khoa học kỹ thuật hiện đại đã cho phép tạo ra những công nghệ tiên tiến có thể loại bỏ sự xuất hiện của các binh lính trên chiến trường. Các phương tiện chiến tranh hiện đại có thể độc lập tác chiến mà không cần sự can thiệp của con người hay được điều khiển từ xa mà không cần phải có sự có mặt của con người bên trong phương tiện chiến tranh đó.
Khởi đầu bằng các phương tiện bay không người lái được điều khiển từ xa đã mở ra một kỷ nguyên mới cho sự phát triển của các phương tiện chiến tranh hiện đại. Các phương tiện bay không người lái UAV đã loại bỏ sự cần thiết của một phi công trong buồng lái. UAV có thể hoạt động trong thời gian lâu hơn, hay hoạt động ở các khu vực nguy hiểm mà không lo ảnh hưởng đến phi công, nó có thể thực hiện các hoạt động tấn công như những máy bay chiến đấu thực sự.
UAV - Máy bay chiến đấu không người lái
 UAV đã được Mỹ sử dụng từ cuộc chiến tranh ở Việt Nam, chủ yếu làm nhiệm vụ trinh sát ở miền Bắc Việt Nam.
UAV có thể giúp thực hiện các hoạt động chiến tranh một cách bí mật, tiết kiệm ngân sách thông qua giảm số nhân sự phục vụ, thực hiện các nhiệm vụ mà các máy bay thông thường khó lòng đảm nhận được.
Ban đầu những UAV này được phát triển với mục đích trinh sát và do thám.Tuy nhiên, nhận thấy giá trị thực tiễn rất cao của các UAV các nhà phát triển vũ khí đã trang bị thêm cho UAV các khả năng tấn công, biến chúng trở thành những “sát thủ không người lái” cực kỳ nguy hiểm. Tác chiến đường không tương lai sẽ là những cuộc đối đầu giữa các UAV.
Mỹ và Israel được xem là hai quốc gia đi tiên phong trong việc phát triển các phương tiện bay không người lái. Điển hình trong các UAV/UAS hàng đầu thế giới là RQ/MQ-1 Predator, MQ-9 Reaper, RQ-4 Global Hawk của Mỹ hay IAI Heron, Hermes-450, Aerostar của Israel.
Trong các loại UAV trên thì MQ-1 Predator và MQ-9 Reaper là những UAV có khả năng tấn công mạnh mẽ nhất thế giới hiện nay. Hiện tại 2 loại UAV này là công cụ đắc lực của Mỹ trong việc tiến hành các hoạt động chống khủng bố ở những khu vực xa xôi hẻo lánh.
UAV - Máy bay chiến đấu không người lái
 UAV MQ-9 Reaper có thể trinh sát và tấn công bằng vũ khí có điều khiển, tầm xa.
Các UAV ngày càng trở nên tinh vi hơn, ngoài việc được điều khiển từ xa tại trung tâm điều khiển mặt đất nó còn được trang bị “trí thông minh nhân tạo” giúp chúng có thể hoạt động một cách độc lập theo dữ liệu được lập trình sẳn mà không cần sự can thiệp của con người.
Điển hình trong các loại UAV có khả năng hoạt động độc lập này là RQ-170 Sentinel, đây là một chương trình phát triển UAV do thám tối mật của Mỹ. Chỉ đến khi RQ-170 Sentinel gặp sự cố và sơi xuống Iran vào cuối năm 2011, người ta mới biết đến sự tồn tại của loại UAV đầy bí ẩn này trong biên chế Không quân Mỹ.
RQ-170 được cho là có một “trí tuệ nhân tạo” ở dạng sơ khai với một hệ thống cất hạ cánh tự động ALR , cho phép UAV này hoạt động một cách độc lập với trạm điều khiển mặt đất. Hệ thống trí tuệ nhân tạo này có khả năng phản ứng với các mối đe dọa từ radar của đối phương, nó có thể tự động hủy bỏ nhiệm vụ nếu bị radar đối phương phát hiện.
UAV - Máy bay chiến đấu không người lái
 UAV tàng hình tối mật RQ-170 Sentinel.
Ở chế độ hoạt động tự động, Sentinel ngắt mọi liên lạc hoặc chỉ liên lạc một cách hạn chế với trạm điều khiển mặt đất. UAV này chỉ thu thập thông tin mà không truyền đi hoặc nhận cho phép nó gần như vô hình với các phương tiện trinh sát trên mặt đất của đối phương.
Sự thành công của các UAV trinh sát/chiến đấu cỡ trung bình đã tạo tiền đề cho việc phát triển các loại UAV lớn hơn có kích thước tương đương với các máy bay chiến đấu có người lái thông thường. Điển hình là chương trình phát triển UCAV (phương tiện chiến đấu không người lái) X-47B của Hải quân Mỹ.
X-47B có chiều dài 11,63m, sải cánh 18,92m, trọng lượng rỗng 6.350kg, trọng lượng cất cánh 20.215kg. Như vậy X-47B có kích thước và trọng lượng tương đương với một chiếc tiêm kích F-16. X-47B có thể mang theo tải trọng vũ khí khoảng 2 tấn trong 2 khoang vũ khí bên trong thân.
UCAV này được thiết kế với khả năng tàng hình tối ưu cho phép nó đột nhập không phận đối phương một cách hiệu quả. X-47B có thể thực hiện một loạt các nhiệm vụ, tuần tra, trinh sát, do thám và tấn công các mục tiêu trên không, trên mặt đất và trên biển như những tiêm kích thực thụ.
UAV - Máy bay chiến đấu không người lái
 X-47B là UAV đầu tiên trên thế giới cất hạ cánh thành công trên tàu sân bay.
Đặc biệt, X-47B có khả năng cất hạ cánh trên boong tàu sân bay như những tiêm kích trên hạm có người lái. Một điểm độc đáo khác của UCAV này là nó có hệ thống điều khiển cầm tay cực kỳ hiện đại cho phép phi công điều khiển nó bên ngoài trời, khả năng này rất hữu ích trong việc cất và hạ cánh trên mặt boong tàu sân bay.
Dự kiến đến năm 2019, Hải quân Mỹ sẽ có phi đội máy bay tấn công không người lái hoạt động trên các tàu sân bay bổ sung cho các tiêm kích thế hệ 5 F-35C và thay thế cho tiêm kích trên hạm F/A-18. Tương lai các máy bay thế hệ thứ 6 sẽ là những máy bay không người lái được thiết kế tinh vi hơn, khả năng hoạt động độc lập cao hơn. Những phương tiện bay không người lái này được ví như những robot biết bay.
Bình Đức - http://kienthuc.net.vn
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

VIDEO
Giỏ hàng
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay2,701
  • Tháng hiện tại40,961
  • Tổng lượt truy cập5,081,218
THẰM DÒ Ý KIẾN

Bạn thấy website này thế nào

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây