Robot công nghiệp là sản phẩm đặc trưng của ngành cơ điện tử. Trên thế giới, robot được sử dụng nhiều nhất trong các ngành chế tạo ôtô, công nghiệp điện và điện tử, chế tạo máy và công nghiệp chế biến thực phẩm. Robot hàn, lắp ráp, vận chuyển sản phẩm và cấp phôi trong các dây chuyền tự động.
Tại Việt Nam, robot đã được triển khai trong các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, luyện kim, chế tạo cơ khí, công nghiệp đóng tàu và một vài lĩnh vực khác. Cụ thể, trong ngành công nghiệp đóng tàu, nhu cầu sử dụng robot hàn, cắt là rất lớn. Do đó, robot được dùng để hàn vỏ tàu ở phần đuôi hay robot tự hàn có khả năng nhận dạng vết hàn phục vụ cho việc tự động hóa một số công đoạn hàn trên boong và bên trong thân tàu thủy. Tại các nhà máy cơ khí và luyện kim, robot được sử dụng trong khâu rót kim loại và tháo dỡ khuôn. Đối với ngành công nghiệp sản xuất nhựa nói chung và sản xuất phôi cho chai nhựa nói riêng, các tay máy được sử dụng để lấy sản phẩm đang ở nhiệt độ cao từ trong khuôn ra ngoài, rút ngắn chu kỳ ép của máy ép nhựa. Trong hoạt động khai thác mỏ, robot được sử dụng cho dây chuyền nghiền than, ở công đoạn cấp than.
Nhận thức được nhu cầu và hiệu quả cao của robot, nhiều DN, trung tâm nghiên cứu, trường đại học đã bước đầu nghiên cứu, ứng dụng, chế tạo sản phẩm robot công nghiệp. Điển hình như: Công ty TNHH giải pháp công nghệ Trí Việt đã thực hiện nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu, ứng dụng và triển khai nhiều sản phẩm robot như: Robot OTOBAY, đa năng, hàn, làm sạch bề mặt kim loại… mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, một số đơn vị cũng đã thực hiện nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng về robot như: Trung tâm Tự động hóa (Đại học Bách Khoa Hà Nội); Viện Điện tử tin học và tự động hóa (Bộ Công Thương); Viện KH-CN quân sự; Viện Cơ học… Đáng chú ý, Đề tài nghiên cứu KH-CN cấp quốc gia KC.03.02: Nghiên cứu thiết kế và chế tạo robot phục vụ sản xuất trong các điều kiện môi trường độc hại và không an toàn đã cho ra đời nhiều loại robot, tạo bước chuyển mình cho ngành công nghiệp chế tạo robot Việt Nam.
Dù đem lại hiệu quả cao trong các ngành công nghiệp, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, việc nghiên cứu, chế tạo, ứng dụng rộng rãi robot đang vấp phải không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất, theo ông Nguyễn Xuân Vũ – Phó giám đốc Công ty TNHH robot Việt Nam, giá thành đầu tư cho dây chuyền sử dụng robot công nghiệp cao, nhiều DN không đáp ứng được. Ứng dụng robot công nghiệp vào sản xuất cần phải có kiến thức cũng như nhân công kỹ thuật sử dụng và vận hành. Trong khi đó, nguồn nhân lực về cơ điện tử được đào tạo tại các trường đại học không nhiều. Ngoài ra, sản phẩm robot khi chuyển giao cho các DN chưa được kiểm nghiệm đầy đủ các tiêu chuẩn quy định nên trong quá trình sử dụng cũng đã phát sinh nhiều hạn chế.
Theo GS. TSKH. Phạm Thượng Cát - Viện Công nghệ thông tin, để phát triển robot công nghiệp nói riêng, ngành cơ điện tử nói chung, Việt Nam cần tập trung phát triển nguồn nhân lực có kiến thức toàn diện, từ sử dụng đến nghiên cứu phát triển robot và các ứng dụng liên quan. Nghiên cứu phát triển trí tuệ cho robot từ mức thấp đến mức cao với khả năng nhận thức, suy diễn và ra quyết định để robot có thể thích ứng với các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Đồng thời, thiết kế và chế tạo các loại robot công nghiệp Việt Nam có tính thực dụng cao, giá rẻ, đơn giản, chuyên dụng. Viện KH-CN Việt Nam cần có chiến lược dài hạn cho phát triển các nghiên cứu về robot. Phát huy vai trò đầu tàu về nghiên cứu cơ bản trong phát triển robot - lĩnh vực trung tâm của cuộc cách mạng công nghệ lớn.
Chúng tôi trên mạng xã hội